Tìm hiểu về FOMO Marketing với case “Đào, Phở và Piano” gây bão truyền thông thời gian gần đây

Giới trẻ ngày nay tự tạo và theo kịp xu hướng rất nhanh. Từ đó tạo nỗi lo sợ bỏ lỡ cơ hội hoặc trải nghiệm về một hiện tượng, trào lưu nào đó đang diễn ra hay còn được gọi một cách dễ hiểu “đu trend”. Vậy trạng thái tâm lý ấy được ứng dụng như nào trong Marketing, hãy cùng tìm hiểu qua case về bộ phim “Đào, Phở và Piano” đang gây bão truyền thông trong những ngày qua.

 

FOMO Marketing là gì?

FOMO là viết tắt của “Fear Of Missing Out”, là nỗi lo lắng khi bạn cảm thấy người khác đang trải qua những trải nghiệm thú vị mà bạn lại không có.

Trong một xã hội, không ai muốn bản thân mình bị bỏ rơi hay bỏ lại phía sau. Nỗi lo này đã tồn tại trong tâm lý con người từ lâu đời, khi chúng ta sống và làm việc trong một cộng đồng lớn. Chúng ta luôn muốn tránh bị cô lập khỏi nhóm, vì sự tách biệt có thể tạo ra xung đột và mâu thuẫn. Vì vậy, sự hòa nhập trở thành ưu tiên của nhiều người.

“Đào, Phở và Piano” có gì khiến bộ phim viral?

“Đào, Phở và Piano là một bộ phim được đầu tư bởi nhà nước, không có áp lực hoàn kinh phí, dẫn đến không chú trọng các hoạt động truyền thông. Nếu không có video review của TikToker Giao Cùn, có lẽ Đào, Phở và Piano sẽ có kết cục như các bộ phim nhà nước đầu tư khác, không mấy người đến xem do… không ai biết, bị giảm suất chiếu, và sớm xếp xó.

Nhưng nhờ TikToker Giao Cùn – 1 reviewer được biết đến với nội dung lịch sử đã review phim “Đào, Phở và Piano” tạo sự quan tâm ban đầu đến bộ phim. Tiếp theo đó, bộ phim cũng được review trong các nhóm cộng đồng yêu lịch sử. Truyền thông bùng nổ hơn nữa khi hình ảnh hàng dài người xếp hàng mua vé tại Rạp Quốc gia được hàng loạt người đi mua vé và các phương tiện truyền thông đăng lên.

Điểm mạnh của FOMO Marketing là khơi dậy cảm giác lo sợ bỏ lỡ cơ hội hoặc sự kiện quan trọng, từ đó thúc đẩy hành động mua hàng và tương tác của người dùng. “Đào, Phở và Piano” đã thành công khi thu hút giới trẻ thông qua các trang truyền thông với hàng dài tranh vé, khơi dậy sự tò mò, thúc đẩy hành trình mua hàng để trải nghiệm xem bộ phim có gì mà “hot” thế. Bộ phim viral tới độ mà website chính thức của Trung tâm chiếu phim quốc gia sập, lỗi server và nhiều hãng khác đồng ý chiếu phim phi lợi nhuận.

Nhìn vào thành công của “Đào, Phở và Piano” khi áp dụng FOMO Marketing đúng tệp khách hàng cũng đã cho chúng ta một cái nhìn khác về việc sử dụng FOMO để tạo nên một chiến dịch thành công. Áp dụng FOMO Marketing một cách hiệu quả đòi hỏi sự sáng tạo và định hướng chính xác về đối tượng khách hàng, vì thế hãy đảm bảo rằng bạn đã phân tích đúng insight khách hàng trước khi thực hiện.

 

Link nội dung: https://lethanhgiang.vn/tim-hieu-ve-fomo-marketing-voi-case-dao-pho-va-piano-gay-bao-truyen-thong-thoi-gian-gan-day-a67.html